Kinh nghiệm đi thuê nhà trọ tránh bị lừa đảo dành cho tân sinh viên
Hầu hết các sinh viên đều có mong muốn tìm được nhà trọ giá rẻ. Nhiều sinh viên lần đầu tiên đi thuê nhà trọ thường gặp lừa đảo để lại hậu quả không đáng có. Dưới đây là những kinh nghiệm mà tôi chia sẻ giúp hy vọng có thể giúp các bạn hạn chế rủi ro có thể xảy ra.
1. Lừa đảo tiền đặt cọc giữ phòng nhà thuê trọ
1.1 – Hình thức
Thường chủ nhà dở chiêu trò này sẽ dán những tờ rơi, thông báo cho thuê phòng trọ ở những vị trí gần trường học như: “phòng trọ giá rẻ, giờ giấc tự do, bao điện nước, wifi, giữ xe miễn phí, không chung chủ…”. Khi đến xem phòng bạn sẽ được dẫn đến những căn phòng đáp ứng đủ tiêu chí trên cùng với giá rất “ hời ” so với giá trị thuê thực của căn phòng.

Nhiều sinh viên lần đầu tiên đi thuê nhà trọ thường gặp lừa đảo để lại hậu quả không đáng có
Đây cũng là lúc chủ nhà trọ yêu cầu bạn đặt cọc một khoản tiền từ: 500.000 – 2.000.000đ tương đương 1 tháng tiền phòng để giữ chỗ. Vì lo sợ mất phòng giá tốt nên các sinh viên thường nhẹ dạ cả tin đồng ý ngay. Các chủ nhà sẽ đưa sinh viên một tờ giấy nhận cọc với ghi chú “nếu không vào ở thì mất cọc” cùng các thỏa thuận tốt đẹp liên quan.
Nhưng các sinh viên chỉ nhận ra mình bị lừa đảo cho đến khi nhận phòng không như mong muốn. Và dĩ nhiên lúc đó không thể lấy lại tiền cọc nếu bạn không ở. Rủi ro hơn nếu làm căng, thì bạn có thể sẽ bị họ cho người dằn mặt hoặc bị đưa đến căn phòng xập xệ với giá cao hơn.
Không những thế, cho đến khi bạn kí hợp đồng, bạn sẽ gặp một người chủ khác với các loạt yêu sách không hề có trước đó như: tiền gửi xe, tiền điện nước, tiền đăng ký tạm trú,… điều này khiến nhiều người “bỏ của chạy lấy người” ngậm đắng nuốt cay mất cọc.
1.2 – Dấu hiệu nhận biết:
- Bắt đặt cọc một khoản tiền khá lớn thường dao động lên đến 3 tháng tiền thuê phòng trọ mới được chuyển vào ở.
- Đến ngày chuyển vào, chủ nhà trọ đưa ra các mức phí “cắt cổ” không có trong thỏa thuận từ trước như giữ xe 300.000đ/1 xe, tiền cáp 100.000đ, tiền mạng 100.000đ, tiền nước 150.000đ, tiền rác 50.000đ,… và các lệ phí từ “trên trời rơi xuống” như tiền đền bù hao mòn tài sản 200.000đ, tiền camera an ninh,…
- Trì hoãn thời gian chuyển vào phòng bằng đủ lý do như đang sửa chữa, hư chìa khóa, chủ trọ đi vắng,…
- Bắt bạn bỏ cọc bằng cách hăm dọa bằng giang hồ hoặc phòng vệ sinh bị hư tràn nước vào phòng, tự sửa chữa nếu có hư hỏng,…
1.3 – Cách phòng tránh
- Tham khảo ý kiến xung quanh phòng trọ và đừng bao giờ cả tin bằng cách xuống cọc ngay
- Tham khảo ý kiến người dân xung quanh khu vực nhà trọ và nên đi xem phòng với bạn của mình
- Hãy ghi âm cuộc hội thoại giữa chủ nhà trọ và bạn để tránh lật lọng
- Nếu đặt cọc bạn hãy yêu cầu chủ nhà ghi rõ ràng và chi tiết các khoản thỏa thuận về tiền phòng, các khoản chi phí hàng tháng. Giấy đặt cọc phải có chữ ký của hai bên ( và người làm chứng nếu cần ) và chỉ trả 50% tiền cọc chủ nhà yêu cầu.
2. Tăng chi phí nhà thuê trọ hàng tháng thất thường
2.1 – Hình thức
Chiêu trò này bạn sẽ rất khó để nhận biết nên đặc biệt đề phòng. Ban đầu chủ nhà cho thuê nhà trọ sẽ rất nhiệt tình đưa ra giá phòng và các chi phí ưu đãi cho người thuê như tiền điện nước rất thấp, các chi phí dịch vụ cũng vô cùng hạt dẻ, thậm chí miễn phí. Tuy nhiên, sau khi bạn ở được thời gian ngắn, chủ nhà sẽ bắt đầu ca thán tiền trọ và tăng giá lên cùng các khoản phụ thu khác. Nếu bạn không chịu nổi chi phí quá cao thì bạn phải tự chuyển đi và mất cọc.
2.2 – Dấu hiệu nhận biết
- Đưa ra những mức chi phí cực kì hấp dẫn cho sinh viên.
- Không có hợp đồng thuê nhà, hoặc hợp đồng không rõ ràng về các khoản phí hàng tháng.
- Ban đầu quá nhiệt tình và tạo mọi điều kiện tốt cho bạn thuê phòng trọ.
- Phòng không có đồng hồ điện, nước riêng.
2.3 – Cách phòng tránh
- Kiểm tra phòng trọ cẩn thận trước khi cọc: đồng hồ điện nước riêng, nhà vệ sinh, khu vực để xe, …
- Hãy bắt buộc chủ nhà cam kết ngoài những chi phí cơ bản sẽ không phát sinh thêm bất kì khoản chi phí nào khác.
- Kiểm tra thông tin chủ nhà kỹ lưỡng: nhà trọ có chính chủ không, giờ giấc ra vào, các thiết bị trong phòng còn tốt không, nếu hư hỏng ai sẽ là người chịu trách nhiệm sửa, các chi phí cơ bản như điện nước, giữ xe, tiền rác, đặt cọc…
- Xem kỹ thông tin về ngày tháng trước khi kí hợp đồng, liệt kê tất cả các chi phí hàng tháng vào hợp đồng, các điều khoản quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên, phải có cả hai bên cùng ký
3. Cho địa chỉ ma
3.1 – Hình thức
Đây là chiêu trò lừa đảo phổ biến. Khi bạn liên hệ với SĐT chủ nhà, bạn sẽ không được dẫn đến xem phòng mà chủ nhà khi đó lấy lí do là có nhiều khu trọ nên chỉ đặt giữ chỗ và đến nhận phòng.
Tuy nhiên, khi đến thì chủ trọ là một người khác hoặc địa chỉ được cho không hề có một khu nhà trọ nào cả. Tuy đây là một trường hợp rất ít gặp vì sinh viên ngày càng cảnh giác hơn, nhưng vẫn có những trường hợp các bạn tân sinh viên ở tỉnh lên bị lừa gạt.
3.2 – Dấu hiệu nhận biết
- Yêu cầu đặt cọc giữ phòng và giao giấy hẹn ghi địa chỉ phòng trọ.
- Viện lí do không dẫn bạn vào xem phòng trọ.
3.3 – Cách phòng tránh
- Yêu cầu dẫn xem phòng trực tiếp.
- Chỉ đặt cọc giữ chỗ khi có thỏa thuận biên nhận rõ ràng.
4. Lừa đảo tiền giới thiệu
4.1 – Hình thức
Đây được xem là một hình thức “cò phòng trọ”. Với chiêu trò này các tay ”cò ” sẽ tìm thông tin nơi cho thuê phòng trọ và đăng lên các trang web, nhóm Facebook tìm phòng trọ, khi có bạn liên hệ thì sẽ được dẫn đến xem phòng. Sau đó, cò sẽ đòi bạn chi một khoảng tiền thù lao giới thiệu phòng và lời đe dọa nếu bạn không trả tiền cho những tên này.
4.2 – Dấu hiệu nhận biết
- Không nắm rõ thông tin của căn phòng trọ.
- Nhiệt tình dẫn bạn vào xem phòng và gặp một chủ khác khi đến nhà trọ.
- Số điện thoại đã đăng nhiều tin bán/ thuê bất động sản,…
4.3 – Cách phòng tránh
- Tra địa chỉ phòng trọ xem có thông tin chính chủ hay không và nên đến thẳng phòng trọ thay vì để cò dẫn vào.
- Liên hệ cò và hỏi nhiều thông tin về căn phòng trọ của Các bạn sắp xem, nếu có dấu hiệu ấp úng, trả lời qua loa thì xác định là cò phòng.
- Đi xem phòng với các bạn bè để tránh trường hợp bị uy hiếp.
5. Bốn quy định quan trọng giúp người thuê nhà tự bảo vệ quyền lợi cho mình
5.1 – Có quyền cắt hợp đồng nếu chủ nhà đưa ra yêu cầu bất hợp lý
Theo quy định tại Luật Nhà ở 2014, trong thời gian thuê nhà, bên thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi chủ nhà đưa ra những yêu cầu và tình huống bất hợp lý như trên. Tuy nhiên, nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng, người thuê nhà phải báo trước cho chủ nhà ít nhất 01 tháng, trừ khi có thỏa thuận khác.
Thực tế, có rất nhiều trường hợp chủ nhà trọ đưa ra các yêu cầu bất hợp lý như tăng giá thuê nhà lên quá cao, tăng giá nhà không báo trước, không sửa chữa nhà cửa khi bị hư hỏng nặng,…
5.2 – Hợp đồng thuê nhà phải được lập thành văn bản
Luật Nhà ở 2014 quy định hợp đồng thuê nhà phải được lập thành văn bản, trong đó có các nội dung cơ bản như: Họ tên, địa chỉ của các bên, mô tả đặc điểm của nhà ở, thời hạn cho thuê, thời hạn và phương thức thanh toán tiền thuê…
Vậy nên khi thuê nhà, người thuê cần giao dịch tất cả các điều khoản bằng văn bản, đọc kỹ hợp đồng trước khi ký để bảo vệ quyền lợi trong trường hợp có tranh chấp xảy ra.
Theo Nghị quyết 52/NQ-CP năm 2010, hợp đồng thuê nhà không bắt buộc phải có công chứng, tuy nhiên để tránh rủi ro, các bên có thể công chứng hợp đồng thuê nhà tại tại Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng Nhà nước.
5.3 – Nắm rõ về giá điện, nước theo quy định của pháp luật
Theo quy định của Bộ Công Thương tại Quyết định 4495/QĐ-BCT, từ ngày 01/12/2017, giá bán lẻ điện sinh hoạt dao động từ 1.549 đồng/kWh – 2.701 đồng/kWh, tùy vào lượng tiêu thụ điện. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn có rất nhiều chủ nhà trọ “thổi” giá điện hàng tháng lên mức 3000 đồng – 4000 đồng/kWh.
Người thuê nhà cần nắm được thông tin về giá điện, nước theo quy định nêu trên, tránh bị chủ nhà “ép giá”.
5.4 – Chủ nhà cho thuê trọ cũng có quyền cắt hợp đồng thuê nhà
Luật Nhà ở 2014, chủ nhà được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi:
- Người thuê không trả tiền nhà từ 3 tháng mà không lý do chính đáng;
- Sử dụng nhà ở không đúng mục đích;
- Tự ý cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở đang thuê;
- Làm mất trật tự, vệ sinh môi trường xung quanh…
Chủ nhà đơn phương chấm dứt hợp đồng phải báo trước cho người thuê ít nhất 30 ngày, trừ khi có thỏa thuận khác.
Trên đây là những kinh nghiệm đi thuê nhà trọ bạn cần biết để tránh những rủi ro không đáng có. Hãy tự bảo vệ quyền lợi cho mình và rất mong những lưu ý trên có thể giúp bạn tìm được nơi ở phù hợp . Nếu thấy bài viết hữu ích hay chia sẻ cho mọi người bạn nhé.
nguon : nguyencuong